Bài viết này chỉ dựa trên quan điểm cá nhân chứ không phải lời khuyên cho tất cả mọi người. Mình hy vọng bạn đọc có được thêm một góc nhìn nào đó để đưa ra lựa chọn của chính mình.
Thường thì tiền bạc một số người nói không quan trọng, nhưng theo mình thì cho đến khi nhiều tiền (tức là tự do tài chính) thì tiền vẫn là một thứ thiết yếu cần tập trung. Chắc vì vậy cho nên không ai không thích tiền nhỉ haha.
Dưới đây là 4 quan điểm đầu tư quan trọng mà mình rút ra được sau một thời gian ngắn tìm tòi, nghiên cứu.
—
1. Đầu tư càng sớm, càng đều đặn càng tốt
Thời điểm kiếm được tiền thì lúc đó cũng đã đi đầu tư được rồi (lì xì cũng là một nguồn thu nhập nhá). Cho bạn nào không biết thì lần đầu tiên Buffett đầu tư là vào năm 11 tuổi, vào năm 8 tuổi thì đã bắt đầu đọc sách về cổ phiếu rồi (tức là không giới hạn tuổi tác chứ mình không viết ra để so sánh hơn thua nha).
Còn mình hoàn toàn không hề biết đến khái niệm đầu tư cho đến khi học khóa anh Dương (Money Studio), thực ra trước đó cũng đọc nhiều bài liên quan đến đầu tư mà anh ấy viết rồi cho nên dần dần có khái niệm sáng sủa hơn về đầu tư.
Mình ban đầu không hề có ý định đầu tư chỉ đơn giản là vì nghĩ rằng nó quá xa với đối với mình, kiểu phải có trăm triệu mỗi lần thì mới đầu tư được – đúng là mình không có tư duy phản biện khi đọc báo đài nhỉ. Mình cũng có nghe loáng thoáng qua các kênh đầu tư nhưng thật sự chưa bao giờ nghiêm túc về chuyện đó.
Hoặc cũng có thể là mình đã nghe quá nhiều tin tiêu cực về đầu tư trước khi tiếp xúc tới nó cho nên đâm ra những rào cản vô hình. Đầu tư tài chính có khó không? Thật ra mình nghĩ rằng không có cái kiến thức hay nghề nghiệp nào là dễ cả. Trăm hay không bằng tay quen, mỗi ngày ngồi học một chút, đầu tư một chút rồi nâng dần lên kiểu gì cũng hiểu thị trường nó vận hành như nào.
Chứng khoán là một trong những kênh đầu tư mình chọn. Ngắn gọn là kiếm tiền với vốn nhỏ + độ rủi ro kiểm soát được + tránh lạm phát khi để tiền trong ngân hàng.
Lý do cần đầu tư càng sớm càng tốt đó là do nguyên lý lãi kép. Đầu tư càng sớm thì số tiền về sau càng lớn.
Để đạt được tự do tài chính hay độc lập tài chính hay khái niệm gì gì đó trên mạng thì mình nghĩ rằng việc đầu tư là cách giúp tốt nhất rồi. Tại VN mới chỉ có 3-4% người tham gia thị trường chứng khoán mà ở Mỹ có tới 60% người tham gia rồi.
Và tại sao lại càng đều đặn càng tốt?
Mình sẽ tóm tắt kết quả phân tích của video Thanh Cong – Thực hiện các chiến thuật đầu tư vào VN Index từ năm 2000 – 2021:
+ All in ngay đáy: tăng trưởng 352%
+ All in ngay đỉnh: tăng trưởng 120%
+ Trung bình đều đặn hàng ngày: 231% (mỗi ngày 50k)
+ Trung bình đều đặn hàng tuần: 238% (mỗi tuần 250k)
+ Trung bình đều đặn hàng tháng: 175% (mỗi tháng 1000k)
2 trường hợp trên cùng tức là đoán đúng thị trường toàn đáy hoặc đoán đúng toàn đỉnh – 2 trường hợp này cho dù là chuyên gia giỏi nhất cũng không thể đoán được => Loại
Vậy nên nếu theo giả thiết đầu tư 21 năm phía trên thì việc đầu tư đều đặn sẽ giúp tối ưu hóa được tỷ suất sinh lời. Ở đây mình không nói là đầu tư hàng ngày sẽ tốt hơn đầu tư hàng tháng => Ở đây mình nhấn mạnh rằng đầu tư đều đặn sẽ tốt hơn việc all in tại một thời điểm nào đó.
Còn nếu bạn muốn đầu tư hàng ngày với số vốn nhỏ thì tham khảo các app: Finhay, Tikop, Infina, Fmarket, Anfin. Túm lại các app này trung gian thôi, còn thích thì có thể ra trực tiếp các công ty quản lý quỹ. Còn khi vốn to hơn dần thì mình nghĩ bạn cứ đăng ký thẳng tài khoản chứng khoán cho dễ quản lý vì dù gì các app kia cũng thu phí.
Chiến thuật này được gọi là trung bình giá (dollar cost averaging – DCA).
Quan điểm 1: Nghiên cứu kỹ để chọn công ty hoặc quỹ đầu tư tốt => Đầu tư sớm + đầu tư đều đặn (trên sàn hoặc qua app)
—
2. Đầu tư lâu dài và cần có quỹ an toàn
Nguyên lý lãi kép ngoài việc đầu tư càng sớm càng tốt thì quan trọng nhất vẫn là càng lâu càng tốt – tức là đầu tư dài hạn.
Đầu tư dài hạn có nghĩa là không được rút lãi ra tiêu xài trong một khoảng thời gian dài 10 – 20 – 30 năm. Nếu mà có rút thì rút ra để đầu tư cái khác có khả năng sinh lời cao hơn mà thôi. Hoặc chỉ rút khi mà chỉ khi không còn ý định đầu tư nữa mà đã đến lúc an hưởng tuổi già rồi.
Đến đây sẽ có câu hỏi: Không rút thì lấy gì mà tận hưởng hoặc khi có rủi ro thì sao?
+ Lấy gì mà tận hưởng? Nếu bạn hiểu về lãi kép thật sự thì sẽ để dành tiền thì về sau sẽ được tận hưởng nhiều hơn và thoải mái hơn. Hoặc đơn giản là trích ra một khoản hàng tháng để chi tiêu vào cái này.
+ Khi có rủi ro thì sao? Cái này sẽ sinh ra một cái nó gọi là quỹ an toàn.
Quỹ an toàn tức là quỹ phòng ngừa rủi ro cho mình: tức là lúc bệnh tật, nghỉ việc, việc gia đình, chuyện đột xuất gì đó thì cần tiền ngay và luôn. Lúc này nếu mình rút từ quỹ đang đầu tư ra để dùng, thì sẽ có rủi ro là bán ngay đáy mà không còn cách nào khác – điều này là điều không ai muốn.
Ngoài ra nếu không có quỹ an toàn mình có thể bị ảnh hưởng tâm lý khi đầu tư. Nếu đầu tư mà muốn lấy tiền sinh lời để tiêu sài thì không dễ vì mình chân ướt chân ráo nên khó có thể sinh lời trong ngắn hạn được. Thường thì thời gian đầu sẽ lỗ một khoản kha khá để học, để hiểu :))
Quỹ an toàn sẽ được trích từ thu nhập hàng tháng bao nhiêu % thì tùy mỗi người, kiểu trích từ thu nhập ra 15-20% chẳng hạn. Quỹ an toàn có mức mà nhiều người đề xuất đó là ( 3~6 tháng x chi tiêu tối thiểu mỗi tháng ) – cái này là tùy mức độ chịu rủi ro của mỗi người.
Khi mà có quỹ an toàn thì giúp tâm lý của mình an tâm hơn khi sử dụng tiền đi đầu tư dài hạn mà không cần lo sợ phải bán bất ngờ. Quỹ an toàn cần được để vào nơi có thể lấy tiền được ngay và luôn. Có thể để vào ngân hàng (gửi không kỳ hạn). Hoặc có thể để vào 1 trong 2 app: Finhay hoặc Tikop.
Quan điểm 2: Cần có quỹ an toàn để đầu tư dài hạn => Tận hưởng lãi kép và bình ổn tâm lý khi đầu tư
—
3. Tiền của mình là tiền của mình
Đầu tư lĩnh vực nào? Mã nào? Công ty bé hay công ty lớn? Đầu tư quỹ nào? Mình không biết.
Nếu nghe người khác để đầu tư => Lỗ => 99% là do mình
Nếu mình tự đầu tư => Lỗ hay Lời => 100% là do mình
*** Đầu tư chứng khoán hay bất kỳ hình thức nào khác thì công thức vẫn là đổi kiến thức lấy tiền ***
Thực ra tất cả các kiến thức đều có sẵn cả đó rồi. Nhưng cách tiếp thu mỗi người mỗi khác, gu mỗi người mỗi khác cho nên không có một cách học hay kinh nghiệm nào có thể phù hợp với mình hay bạn tất tần tật được cả.
Mà nói trắng ra là việc để người khác chỉ cho A-Z thì không khác nào người khác đầu tư cho mình cả (kiểu đặt đâu ngồi đấy), vậy nên cuối cùng vẫn là xem bản thân mỗi người tính chủ động học, áp dụng kiến thức và đầu tư đến đâu. Lúc mình đi học thì mình không đặt kỳ vọng cao sẽ thành chuyên gia mà xem đây là cách để rút ngắn thời gian tự học, tiếp cận những kiến thức có tính hệ thống.
Vẫn nguyên tắc cũ là lời ăn lỗ chịu – Tỷ suất sinh lời cao thì luôn đi kèm với rủi ro cao và ngược lại.
Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm cho nên tiền của mình thì mình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với nó. Và mình nói thẳng ra là người khác không có trách nhiệm với số tiền của mình.
Bây giờ bảo đi kiện các dự án đầu tư lừa đảo thì mình lại thấy buồn vì lỗi là do những người góp tiền họ không chịu tìm hiểu chứ có phải ngay từ đầu dự án đó không lừa đảo đâu.
Quan điểm 3: Đầu tư bằng kiến thức của mình
—
4. Theo dõi chi tiêu cá nhân
Đây là 1 điều mình đã biết từ rất lâu, mình đã từng thử và bỏ vì thấy rằng nó không quan trọng tới cuộc sống của mình.
Cho đến bây giờ thì theo dõi chi tiêu không giúp mình tăng thu nhập trực tiếp nhưng giúp mình tối ưu hóa khoản chi tiêu => Giúp mình cắt bớt các khoản không cần thiết để đưa vào những khoản quan trọng hơn (như đầu tư hoặc quỹ an toàn chẳng hạn).
Rồi rồi. Mình biết lợi ích như vậy ai cũng biết.
Nhưng để mình nói cho bạn 1 bí mật cực kỳ quan trọng đó là: Theo dõi chi tiêu chỉ cần thiết khi mình bắt đầu đi đầu tư (chắc cái này nên in ra và dán lên tường) => Nói cách khác theo dõi chi tiêu giúp tối đa hóa khoản đầu tư một cách khoa học.
Nghe hay nhỉ :)) Giờ mình mới biết đó. Tức là khi mà chỉ khi mình hoặc bạn đi đầu tư thì việc theo dõi chi tiêu mới phát huy đúng tác dụng của nó. Kể cả việc đầu tư vào bản thân. Còn theo dõi chi tiêu chỉ để theo dõi chi tiêu thôi thì mình đã bỏ nó từ những lần đầu thực hiện rồi.
Về cách theo dõi chi tiêu như thế nào thì mình làm theo một video của Kiboro (Kiệt) ở phần comment nhé. Mình cũng đang theo dõi theo bảng đó.
Còn nếu quen với việc tiêu xài tối thiểu và một thói quen đầu tư đều đặn rồi thì không cần theo dõi chi tiêu nữa vì thói quen chi tiêu & đầu tư đã được xây dựng rồi. Ví dụ như giờ ông Buffett không theo dõi chi tiêu của chính mình nữa vậy (mình đoán thế haha). Nói chung theo dõi chi tiêu là một trong những bước quan trọng đầu tiên để đầu tư khi mình đang còn ở cái tuổi ăn chơi như này.
Mà chắc cũng chỉ cần làm trong 4-6 tháng liên tục là đã quen với thói quen chi tiêu mới rồi (thực ra giờ mình vẫn đang còn tiếp tục).
Quan điểm 4 => Tối ưu hóa đầu tư bằng việc tối ưu hóa chi tiêu
Chúc bạn một ngày tốt lành
By Cường Dizi