
Bà Thủy lạc quan về cơ hội của xe điện và tình hình kinh doanh của thương hiệu xe VinFast trên toàn cầu trong tương lai. Theo bà Thủy, VinFast gần như đã hòa vốn tại Việt Nam.
Gần đây, VinFast đã chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq Global Select Market, trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Giá trị vốn hoá của công ty hiện đạt hơn 23 tỷ USD (khoảng 551,4 nghìn tỷ đồng) và hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. với mã giao dịch “VFS”.
Trong ngày giao dịch đầu tiên tại Mỹ, cổ phiếu VinFast (VFS) mở cửa ở mức 22 USD (khoảng 528 nghìn đồng), cao gấp đôi so với giá định giá ban đầu (10 USD/cổ phiếu). VFS sau đó đóng cửa ở mức 37,06 USD (gần 900 nghìn đồng), mang lại cho VinFast vốn hóa thị trường lên 85 tỷ USD (2 triệu tỷ đồng), vượt qua cả Ford và General Motors.
Sau khi giảm trong 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu VFS đã khởi đầu tuần mới với màu xanh và đóng cửa ở mức 36,72 USD (khoảng 881 nghìn đồng)/cổ phiếu, tăng 251% so với ngày niêm yết. Cổ phiếu này đã tăng lên mức 46,98 USD (khoảng 1,1 triệu đồng)/cổ phiếu trong ngày 22/8.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, giá cổ phiếu VFS đạt 37,02 USD (khoảng 888 nghìn đồng/cổ phiếu), tăng nhẹ 0,84%. Với mức giá này, vốn hóa của VinFast cũng tăng gần 1 tỷ USD, lên mức 89,3 tỷ USD (2,1 triệu tỷ đồng).
Tương lai của VinFast sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự quan tâm của nhà đầu tư đối với xe điện và khả năng tiếp cận thị trường ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, việc niêm yết tại Mỹ cho phép VinFast tiếp cận các nguồn vốn khác nhau và đầu tư mở rộng hoạt động của công ty. Bà Thủy kỳ vọng rằng công ty sẽ đạt mức hòa vốn trong vòng 1-2 năm.
VinFast hiện đã xuất xưởng gần 3.000 chiếc xe điện sang Bắc Mỹ. Bà Thủy cho biết VinFast là nhà sản xuất xe điện duy nhất cung cấp đầy đủ các dòng xe ở mọi phân khúc, từ xe mini đến SUV. Đến ngày 30/6, công ty đã giao được 19.000 chiếc xe loại này. VinFast cũng đã mở trụ sở ở Châu Âu và đang nghiên cứu thị trường để mở rộng sang các khu vực khác như Đông Nam Á và Trung Đông.