Đa phần các công ty chứng khoán ghi nhận FVTPL (giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu mảng tự doanh, với một số ngoại lệ như Vietcap, TVS và TCBS.
Hoạt động tự doanh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán (CTCK). Mảng tự doanh bao gồm các tài sản tài chính được ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, lãi/lỗ từ FVTPL và HTM được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, trong khi lãi từ AFS được hạch toán vào vốn chủ sở hữu và không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, khoản này giúp các CTCK điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển đổi các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.
Về HTM, đây chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính được nắm giữ đến ngày đáo hạn, bao gồm chủ yếu các khoản lãi suất cố định như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi, công cụ thị trường tiền tệ…
Theo số liệu thống kê của tác giả, tổng giá trị tài sản tự doanh của 74 công ty chứng khoán hàng đầu vào cuối tháng 6 đạt khoảng 200.532 tỷ đồng (tương đương 8,5 tỷ USD), tăng 18% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cuối quý I. Trong đó, Top 10 CTCK có tỷ trọng tự doanh lớn nhất chiếm hơn 131.584 tỷ đồng, tương đương 66% (khoảng 2/3) tổng giá trị tự doanh của ngành chứng khoán.

Phần lớn danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán đều bao gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ và tiền gửi ngân hàng. Ngược lại, tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục thường không lớn.
Về cơ cấu giữa 3 loại tài sản FVTPL, HTM và AFS, phần lớn các công ty đều ghi nhận giá trị lớn nhất tại FVTPL. Ví dụ, Chứng khoán VPBank (VPBankS) có toàn bộ danh mục tự doanh thuộc FVTPL, với giá trị đạt 12.157 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Đáng chú ý, giá trị danh mục của công ty đã tăng đáng kể lên đến 63% sau 6 tháng. Trong đó, giá trị trái phiếu đã tăng 39% lên 10.082 tỷ đồng và cũng đã phát sinh một khoản cổ phiếu trị giá 715 tỷ đồng.

Dẫn đầu về giá trị danh mục tự doanh vẫn là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) với 31.424 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, giảm 9% so với cuối năm 2022. Trong đó, danh mục của SSI bao gồm FVTPL trị giá 26.529 tỷ đồng, HTM trị giá 4.169 tỷ đồng và AFS trị giá 726 tỷ đồng. Trong phần FVTPL, SSI nắm giữ 15.559 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, 9.059 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, và phần còn lại là cổ phiếu và chứng khoán khác. Một số cổ phiếu trong danh mục FVTPL của SSI bao gồm SGN (435 tỷ), FPT (34 tỷ), VPB (11 tỷ), MBB (5 tỷ đồng),… Toàn bộ số tiền 4.169 tỷ đồng trong phần HTM của SSI là tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn.
SSI ghi nhận giá trị AFS tăng đến 90% sau 6 tháng, đạt 726 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6. Trong phần AFS, cổ phiếu chiếm hơn 688 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu. Mức tăng của AFS chủ yếu là do công ty tăng ghi nhận giá trị cổ phiếu niêm yết tăng thêm 188 tỷ đồng (tăng 154%), tuy không có thông tin cụ thể. Giá trị cổ phiếu chưa niêm yết cũng tăng đáng kể lên 378 tỷ đồng (tăng 60%), trong đó bao gồm cổ phiếu CTCP PAN Farm (53,4 tỷ), Concung (40 tỷ đồng) và các cổ phiếu khác.
Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) ghi nhận giá trị danh mục tự doanh đạt 25.817 tỷ đồng, tăng 5% sau 6 tháng đầu năm và đứng thứ hai trên thị trường. Trong đó, FVTPL chiếm 20.852 tỷ đồng và phần còn lại là HTM (toàn bộ là tiền gửi ngắn hạn) với 4.965 tỷ đồng. Trong phần FVTPL của VNDirect, cổ phiếu chiếm 1.988 tỷ đồng, trái phiếu chiếm 10.245 tỷ đồng, và chứng chỉ tiền gửi chiếm 8.617 tỷ đồng.

Khác với số đông, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) không có FVTPL mà toàn bộ danh mục tự doanh là HTM và AFS. Tổng giá trị tự doanh đạt 14.773 tỷ đồng, tăng 41% sau 6 tháng. Tại HTM, công ty có 678 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, tăng so với mức 1 tỷ đồng vào cuối năm trước. Khoản AFS chủ yếu bao gồm cổ phiếu 1.098 tỷ đồng, trái phiếu 13.467 tỷ đồng và 199 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. TCBS đã mạnh tay tăng đầu tư trái phiếu khoảng 87% sau 6 tháng, tương ứng với 6.270 tỷ đồng, và vươn lên thành đơn vị nắm lượng trái phiếu lớn nhất ngành.

Ngoài 4 đơn vị trên, sở hữu danh mục tự doanh trên 10.000 tỷ đồng còn có Chứng khoán VPS hay Thiên Việt (Mã: TVS). Danh mục của VPS bao gồm HTM 1.500 tỷ và FVTPL 10.757 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Khoản HTM chỉ mới phát sinh 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Giá trị FVTPL tăng 155% sau 6 tháng, đạt 9.557 tỷ đồng, chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi 7.850 tỷ, trái phiếu 1.661 tỷ, còn cổ phiếu chỉ chiếm 46 tỷ đồng. FVTPL tăng mạnh do công ty tăng lượng chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu.
Trường hợp của TVS, giá trị tự doanh lại tập trung ở HTM. Cụ thể, giá trị danh mục tự doanh cuối tháng 6 đạt 10.646 tỷ đồng, tăng 23% sau 6 tháng, bao gồm HTM 9,023 tỷ, 211 tỷ FVTPL và 1.412 tỷ đồng AFS. Trong HTM của TVS, tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi chiếm 5.665 tỷ, trái phiếu chiếm 3.357 tỷ đồng.
