Mình nghĩ trước đây mình không thích tài chính, đầu tư là do mình bị nhồi nhét quá nhiều thứ một cách khô khan và cũng như tiêu thụ quá nhiều thông tin tiêu cực về nó. Còn nếu từ đầu mình học đúng nơi, tiếp cận đúng người (không chỉ về lĩnh vực tài chính) thì mình sẽ có cảm hứng hơn cũng như không bị rơi vào những cái bẫy tâm lý truyền thông và chạy theo số đông.
Khi đó mình cho rằng những chuyện đầu tư tiền bạc chỉ dành cho những người thích tài chính hay đi theo lĩnh vực tài chính, kiểu kiểu vậy. Điều mình nghĩ liệu có đúng? Đúng chứ :)) Nhưng nó chỉ đúng ở 1 khía cạnh. Tức là trong đầu tư thì có rất nhiều con đường khác nhau và thứ mà trước đây mình hay xem trên TV hay ở báo kinh tế các thứ (kinh tế vĩ mô, vi mô, tác động qua lại giữa các ngành) cũng là một trong những con đường chứ không phải duy nhất. Có người đầu tư fulltime, có người đầu tư parttime và cũng có người đầu tư thụ động.
Nhiều lúc người ta chỉ đưa ra số % lãi để nghe lọt tai các thứ, điều này dễ gây ra FOMO học cái này một ít cái kia một ít (từ coin, forex, vàng cho đến chứng khoán, phái sinh) thành ra các con đường chồng chéo nhau rồi đi đến kết luận đầu tư là một lĩnh vực khó nhằn. Rủi ro ở đây không chỉ mất tiền mà còn về sức khỏe lẫn tinh thần nữa.
Mỗi con đường đầu tư sẽ có những kiến thức, nguyên tắc, kỷ luật cũng như cách rèn luyện khác nhau. Nhưng suy cho cùng mình thấy đầu tư không phải là một khái niệm sang chảnh như nhiều người vẫn nghĩ. Thật ra với số tiền 2 triệu thì bạn cũng có thể bắt đầu đi đầu tư rồi, kiểu tích tiểu rồi sẽ thành đại.
Vì lý do trên nên mình sẽ tập trung làm nội dung hướng tới những người chưa biết gì (hoặc biết sơ sơ) để họ có thể nắm được lĩnh vực này ở những mức cơ bản, từ đó chọn cho mình con đường phù hợp với bản thân.
Còn một điều quan trọng nữa mình muốn bạn làm (điều này mình nghĩ tốt cho bạn, còn mình thì có thêm ý tưởng nội dung để chia sẻ): đó là nếu có gì không hiểu sau khi đọc bài viết của mình thì để lại bình luận, hoặc có gì cần biết thêm, cần hỏi cũng để lại ở phần bình luận. Nếu mình không biết mình sẽ đi hỏi hoặc nhờ người có kiến thức chuyên môn giải đáp cho bạn. Nói chứ trong Money Studio toàn cao thủ đu đỉnh các thứ nên bạn yên tâm nhé. Hoặc có thể là mình đang chia sẻ cho một thế hệ đu đỉnh mới :))
Mình không phải là chuyên gia, có thể nói quá trình mình làm nội dung cũng chính là quá trình mình học cùng với bạn. Nên mình nghĩ cách truyền đạt của mình sẽ dễ hiểu đối với bạn và dần dần nắm rõ được các khái niệm.
Zô thôi nhỉ chứ dài dòng quá lại chả ai đọc. Mình sẽ gắn hashtag #hocdautu và thêm vào phần Guides (Hướng dẫn) trong nhóm Nghiện Tiền để bạn có thể tìm đọc lại nhé. À, mình sẽ đăng lên trên web MS nữa để tiện theo dõi hơn.
Bài đầu tiên là hiểu đơn giản về cổ phần, cổ phiếu, cổ tức.
—
Bây giờ mình ví dụ có 4 người A, B, C, D muốn góp vốn với nhau để mở công ty kinh doanh gì đó.
Số vốn góp của mỗi người là:
Bạn A: góp 10 triệu
Bạn B: góp 20 triệu
Bạn C: góp 30 triệu
Bạn D: góp 40 triệu
Tổng số vốn góp khi mở công ty là: 100 triệu
Như vậy tỷ lệ sở hữu của mỗi người là: A (10%) + B (20%) + C (30%) + D (40%)
Sau 1 năm công ty ăn nên làm ra thì 4 người quyết định mở rộng kinh doanh để phát triển hơn nữa. Công ty dự kiến là cần thêm 20 triệu để đầu tư nhưng 4 người hết tiền rồi cho nên cần tìm thêm vốn từ bên ngoài, giờ đây thì có 2 cách:
+ Vay ngân hàng hoặc ai đó và trả % theo tháng/ năm cho họ
+ Kêu gọi người nào đó góp vốn và trở thành cổ đông của công ty
Cách 1 đi vay 20 triệu thì đơn giản rồi vì không có sự thay đổi trong tỷ lệ sở hữu.
Cách 2 tức là có người nào đó (mình đặt là bạn X nhé) góp vốn 20 triệu vào để trở thành cổ đông.
Vậy giờ tổng vốn góp sẽ là 120 triệu phải không? Và giờ chia tỷ lệ sở hữu theo % vốn góp có phải là:
Bạn A góp 10 triệu trên tổng 120 triệu thì tỷ lệ sở hữu bây giờ là 8% (mình tạm thời làm tròn ha). Tương tự bạn B, C, D, X sẽ có tỷ lệ sở hữu là: 17%, 25%, 33%, 17%
Dừng lại nha.
Chuyện này không đúng bởi sau 1 năm phát triển thì công sức của 4 người thành lập công ty đã khiến cho công ty thành công phát triển hơn. Bạn X bây giờ mới vào mà đòi chia như giá trị ban đầu của công ty là thiệt thòi đối với công sức những người cũ rồi. Trừ khi những người cũ họ vẫn chấp nhận giá trị công ty vẫn như khi thành lập.
Như vậy chúng ta cần xác định giá trị của công ty tại thời điểm có người muốn góp thêm vốn. Đến đây thì sẽ có 1 khái niệm đó là định giá công ty.
Bạn có để ý khi xem Shark Tank thì người ta hay nói đến khái niệm này không. Có rất nhiều phương pháp định giá công ty nhưng chắc giờ mình và bạn chưa cần tìm hiểu vội. Điều cần biết bây giờ đó là 4 bạn ban đầu sẽ mong muốn giá trị công ty cao nhất có thể, còn bạn X thì muốn giá trị công ty thấp nhất có thể để lúc góp vốn vào sẽ có được nhiều % hơn. Tóm lại là bạn X sẽ đồng ý góp vào khi chấp nhận mức định giá.
Sau khi thương lượng với nhau thì 4 bạn và bạn X đã đồng ý với mức định giá công ty hiện tại sau khi góp vốn là 400 triệu (Post-money).
***
Pre-money là giá trị công ty trước khi được nhà đầu tư rót vốn vào.
Post-money là giá trị ước tính của công ty sau khi đã nhận tiền đầu tư.
***
Bây giờ thì tỷ lệ sở hữu của 4 bạn cũ và bạn X sẽ như sau (dựa trên giá trị cty là 400 triệu):
+ Bạn X sẽ có tỷ lệ sở hữu là 20/400 = 5%
+ Bạn A sẽ có tỷ lệ sở hữu là (tỷ lệ sở hữu cũ * (400 – số vốn người mới góp)) / 400 = (10%*380) / 400 = 9,5%
+ Bạn B sẽ có tỷ lệ sở hữu là (20%*380) / 400 = 19%
+ Bạn C, D tương tự sẽ có 28,5% và 38%
Mình muốn giải thích thêm về công thức trên đó là: Khi bạn X đã đồng ý giá trị công ty sau khi góp vốn là 400 triệu, thì tức là bạn X đã thừa nhận rằng giá trị sở hữu của 4 bạn còn lại là 380 triệu. Cho nên giá trị sở hữu của mỗi bạn sẽ tính theo tỷ lệ sở hữu cũ khi mới lập công ty.
Giá trị sở hữu mới của 4 bạn A, B, C, D lần lượt là: 38 triệu, 76 triệu, 114 triệu, 152 triệu (tổng là 380 triệu). Tương ứng với tỷ lệ sở hữu ban đầu là: A (10%) + B (20%) + C (30%) + D (40%).
Nhìn qua thì thấy tỷ lệ sở hữu mới của 4 bạn cũ đều giảm tuy nhiên giá trị sở hữu của mỗi bạn đã tăng lên 3-4 lần (tức là kiểu nếu anh nào bán cổ phần và ra đi thì với 1 số vốn ban đầu góp vào thì đã lời 3-4 lần rồi – ý là nếu có người mua kk).
***
Ở đây có 1 điều bạn cần nhớ đó là: Giá trị công ty sẽ là 400 triệu khi mà chỉ khi có người đồng ý góp vốn vào với giá trị đó. Tức là nếu không ai góp vốn (hoặc đồng ý góp nhưng lại chạy mất tiêu) thì giá trị công ty vẫn là 100 triệu – không ai thừa nhận con số 400 triệu cả. Đây là 1 mối quan hệ 2 chiều.
***
Cổ phần là một phần chia nhỏ của công ty. Ví dụ công ty trên (sau khi đã được X góp vốn) chia nhỏ thành 1000 phần thì mỗi cổ phần trị giá 400k. Người nắm giữ cổ phần sẽ được gọi là cổ đông.
Còn cổ phiếu là một loại chứng chỉ số xác nhận quyền sở hữu cổ phần.
Hai khái niệm này tương đồng nhau, tức là đều chỉ tỷ lệ sở hữu của một cổ đông đối với một công ty. Cổ phần thì thường dùng kèm với tỷ lệ phần trăm, còn cổ phiếu thì dùng kèm với số lượng.
Các công ty tư nhân sẽ thường dùng khái niệm cổ phần. Còn đối với các công ty đại chúng (công ty đã niêm yết lên sàn) sẽ thường dùng khái niệm cổ phiếu.
Trên thực tế thì các công ty sẽ chia nhỏ cổ phần ra nữa để nhiều người có khả năng mua và trở thành cổ đông của công ty. Việc chia nhỏ cổ phần không làm tăng hay giảm tỷ lệ sở hữu cũng như giá trị sở hữu của những cổ đông hiện tại.
Các cổ đông hiện tại không sợ có người vào công ty sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu, các cổ đông luôn muốn giá trị định giá công ty ngày càng lớn hơn sau khi có người đầu tư vào.
Còn cổ tức đơn giản là số tiền lợi nhuận ròng (đã trừ tất tật tật các chi phí) trả theo tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông. Công ty sẽ quyết định trả một phần lợi nhuận hoặc sử dụng tái đầu tư toàn bộ để phát triển hơn từ đó giá trị định giá công ty nhiều hơn về sau.
—
Hôm nay vậy thui ha. Hy vọng các bạn đã hiểu phần nào về các khái niệm trên. Thực ra còn nhiều loại cổ nữa nhưng mình nghĩ giờ chưa cần thiết lắm.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo và nếu thích bài viết thì hãy để lại bình luận với chia sẻ lại cho bạn bè ha.
Cường – Money Studio