Hiểu đơn giản về lạm phát

Khái niệm này mình cũng nghe nhiều lần rồi nhưng khi nghe nói ở đâu đó thì nó mới chỉ đứng trên phương diện riêng lẻ. Tức là nếu nghe qua thì đơn giản chỉ là khái niệm, nó không có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của mình cả, kiểu như biết cũng được mà không biết cũng được. Tuy nhiên khi đưa khái niệm này vào thực tế và so sánh với các trường hợp khác liên quan thì mình mới thấy được tác động của lạm phát và sự quan trọng của việc đầu tư.

Lạm phát về cơ bản được hiểu là sự giảm giá trị hay sức mua giảm của một loại tiền tệ nào đó. Nói dễ hiểu là hồi xưa bát phở giá 10.000đ thì giờ giá là 40.000đ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Dưới đây là 3 nguyên nhân chính:

+ Do chi phí đẩy (chi phí tăng): Chi phí để làm ra 1 bát phở bao gồm chi phí đầu vào như nguyên liệu, mặt bằng, máy móc, tiền lương, bảo hiểm,… Khi giá của 1 trong những yếu tố đầu vào tăng thì sẽ làm giá của bát phở tăng. Ví dụ giá xăng tăng => chi phí vận chuyển tăng => giá bán sản phẩm tăng.

+ Do cầu kéo (cầu > cung): Khi nhu cầu về việc ăn phở tăng (ví dụ thôi ha) mà không nhiều quán ăn có thể cung cấp được thì việc họ sẽ làm đó là tăng giá bát phở lên. Nhà nước có thể kiểm soát lượng cầu này bằng các công cụ kinh tế như thuế, lãi suất cho vay, nhập khẩu hàng hóa,…

+ Ngân hàng nhà nước in thêm tiền: Giờ mình ví dụ là trên thị trường có 1 lượng tiền là A và 1 lượng hàng hóa là B. Nếu với lượng hàng hóa không thay đổi mà nhà nước in thêm tiền thì điều này đồng nghĩa với việc rằng lượng tiền A sẽ mất giá (lạm phát).

Tại sao nhà nước in thêm tiền? Có nhiều lý do nhưng mình muốn nhấn mạnh 1 lý do đó là nhà nước muốn kích cầu nền kinh tế hay nói cách khác để phục hồi hoặc muốn kinh tế phát triển.

Đầu tư công là một ví dụ – tức là nhà nước in tiền để xây cầu đường trường trạm. Lúc này thì để xây dựng thì cần có nhân lực và lượng tiền đó sẽ được chi trả cho những nhân lực này. Và những người này họ lại có thu nhập để mua sắm => Nền kinh tế hồi phục và phát triển (nhất là trong những khoảng thời gian đại dịch vừa rồi khi mà mọi thứ như ngừng trệ). Hoặc cũng có thể là đưa ra gói an sinh xã hội cho người dân, kiểu vậy.

Lạm phát không xấu, nếu lạm phát giữ được ở một mức phù hợp thì chứng tỏ rằng nền kinh tế đang trên đà phát triển (không kiểm soát được lạm phát mới là xấu). Tức là nhu cầu mua hàng tăng thì giá sản phẩm mới tăng lên (nền kinh tế vận động tích cực).

***

Ở đây mình giải thích một chút lý do tại sao lạm phát ổn định lại tốt đối với nền kinh tế của đất nước.

Khái niệm ngược lại của lạm phát là giảm phát, có nghĩa là đồng tiền ngày càng có giá trị hơn, giá cả hàng hóa giảm.

Ví dụ có 1 miếng đất ngoại ô giá 100 triệu. Và bạn đang có ý định đầu tư vào mảnh đất này.

Trong trường hợp lạm phát sẽ xảy ra thì miếng đất đó bạn thấy năm sau giá tăng lên, thì bạn sẽ xuống tiền luôn. Người bán đất lại dùng tiền đi mua sắm. Nhà buôn bán hàng hóa lại có tiền để mở rộng sản xuất. Nền kinh tế phát triển.

Trong trường hợp giảm phát sẽ xảy ra thì miếng đất đó bạn thấy năm sau kiểu gì giá cũng giảm thì bạn sẽ đợi đến năm sau mới mua. Cuối cùng nền kinh tế không vận động nữa luôn.

***

Nhưng lạm phát lại xấu đối với cá nhân?

Đối với mỗi cá nhân nếu tiền nằm một chỗ (bỏ trong két sắt chẳng hạn) thì lượng tiền đó sẽ bị lạm phát ăn dần ăn mòn. Tại sao tiền lại bị ăn dần ăn mòn?

Tỷ lệ lạm phát trung bình của VN trong 10 năm qua là 5,8% (2010 – 2020). Mình cứ lấy con số trung bình mỗi năm sắp tới tỷ lệ lạm phát là 5% (tiền cứ sau mỗi năm giảm 5% giá trị) – nhìn 5% có vẻ thấp tuy nhiên con số cộng dồn qua từng năm cực kỳ lớn.

Nếu năm 2022 bạn nắm giữ 50 triệu thì cùng số tiền đó tại năm 2042 thì chỉ còn 18,8 triệu (tức là sau 20 năm không làm gì giá trị đồng tiền mất hơn 1 nửa). Vậy chúng ta cần tìm kênh có thể tiền sinh lời nhiều hơn 5%/ năm để giá trị đồng tiền giữ nguyên chứ chưa nói đến việc sinh lời.

Còn ngân hàng? Chẳng phải lãi suất ngân hàng bây giờ là 5-6% à? Có phải để vào ngân hàng là ổn rồi hay không? Chậm đã. Lãi suất ngân hàng 5-6% ở đây tức là bạn phải sử dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6-12 tháng thậm chí 24 tháng thì mới có lãi suất đó. Đồng nghĩa với việc bạn không động chạm vào số tiền đó trong 1 khoảng thời gian dài (không khác gì đem tiền đi đầu tư cả) và kết quả sau cùng giá trị đồng tiền vẫn giữ nguyên sau hàng năm để trong ngân hàng có kỳ hạn.

Nếu năm 2022 bạn nắm giữ 50 triệu và đi đầu tư đâu đó với mức sinh lời 10%/ năm (đây là mức có được dù bạn chưa biết gì nhiều về tài chính). Như vậy trừ đi tỷ lệ lạm phát thì mức sinh lời của bạn sẽ là 5%/ năm (giả sử). Vậy đến năm 2042 số tiền ban đầu 50 triệu thì bạn sẽ có khoảng 126 triệu (trong trường hợp trong 20 năm bạn không rút tiền nhé).

Bạn thấy mức chênh lệch rất cao không. Đấy chính là sức mạnh của lãi kép về 2 hướng tích cực lẫn tiêu cực.

+ 50 triệu giữ nguyên trong két sắt sau 20 năm chỉ còn 18,8 triệu giá trị.

+ 50 triệu gửi lãi suất có kỳ hạn dài thì sau 20 năm vẫn giữ nguyên 50 triệu giá trị.

+ 50 triệu đi đầu tư với mức sinh lời 10% (giả sử đã trừ đi lạm phát là còn 5%) thì sau 20 năm sẽ thành 126 triệu giá trị.

Mình còn chưa nói đến việc đồng Việt Nam còn bị mất giá so với các đồng khác nhé. Ví dụ như trước kia thì 11.000đ có thể mua được 1 USD giờ thì phải mất tới 23.000đ – đồng nghĩa với việc đồng Việt Nam đã bị mất giá thêm 50% nữa.

Đến đây mới sinh ra các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu, cổ phiếu, tiền kỹ thuật số, thị trường ngoại hối,… để tránh tỷ lệ lạm phát (hoặc không :v).

Ở bài này mình không đi vào công thức tính lạm phát hay cách bình ổn lạm phát (vì mình không biết thật). Mình nghĩ những kiến thức này không cần thiết đối với mình và cũng là thứ vĩ mô mình không kiểm soát được. Bài viết này đơn giản đưa cho bạn góc nhìn về mối quan hệ giữa lạm phát và đầu tư. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu sâu thì tìm đọc thêm nha.

Nếu có câu hỏi nào thì bạn cứ bình luận nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.

Cường – Money Studio

#hocdautu

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có thể bạn thích

VNDirect muốn bán công ty quản lý quỹ
Danh mục những công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát do Trương Huệ Vân điều hành và góp vốn
Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Đâu là đáy lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra ?

Hôm nay đọc gì