Mình sẽ giữ 2 khái niệm đơn giản là công ty tư nhân và công ty đại chúng. Công ty tư nhân là chưa lên sàn chứng khoán còn công ty đại chúng thì đã lên sàn. Khái niệm chính xác của nó sẽ khác đôi chút nhưng mình nghĩ cứ hiểu đơn giản vậy đã.
Như #hocdautu 1 mình có chia sẻ là công ty tư nhân khi muốn phát triển thêm nhưng thiếu tiền thì cần đi gọi vốn. Sẽ có 2 cách huy động vốn chính:
+ Vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu rồi trả % theo tháng/ năm
+ Kêu người nào đó góp vốn và trở thành cổ đông của công ty
2 cách này nếu để gọi số vốn nhỏ thì ổn cũng không khó khăn lắm. Tuy nhiên nếu muốn huy động số vốn lớn để phát triển mạnh thì lại cực kỳ khó khăn, kiểu phải tìm quỹ đầu tư, nhà đầu tư rồi trải qua các vòng a, b, c rồi vòng x, y, z cho đến khi đã chốt deal rồi cũng không chắc chắn rằng tiền sẽ được rót vào. Tóm lại là tiền muốn huy động vào càng nhiều thì càng khó. Hoặc đôi khi là có người muốn góp vốn đầu tư nhưng lại không tìm được công ty ưng ý.
Do nhu cầu trên cho nên đã sinh ra thị trường chứng khoán. Hiểu đơn giản như là một cái chợ – trong đó cổ phần công ty sẽ được buôn bán công khai như rau, thịt, cá,… và bất kỳ ai cũng có thể mua được (có thể là bạn và mình), bởi ai cũng có thể tiếp cận được. Một cửa hàng trong cái chợ này được gọi là công ty đại chúng – tức là công ty đã được lên sàn chứng khoán. Còn công ty tư nhân thì chỉ đơn giản là 1 quán tạp hóa nhỏ ở đâu đó rất ít người tiếp cận được.
Quá trình công ty tư nhân tham gia vào thị trường chứng khoán để trở thành công ty đại chúng thì được gọi là IPO (Initial public offering – nghĩa là mở cửa hàng trong chợ). Các bạn có thể tìm hiểu thêm các điều kiện để IPO trên google nhé (kiểu như cần có vốn góp lớn, công ty làm ăn có lãi, cổ đông công ty chiếm % lớn, cổ đông sau khi lên sàn có ràng buộc không được chạy trong khoảng thời gian nhất định,…). Ở VN thì sẽ có 1 nơi để quản lý và kiểm soát quá trình này đó là Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Lúc này thì các cổ phiếu của công ty sẽ được đưa lên sàn chứng khoán và bất kỳ ai cũng có thể mua để trở thành cổ đông được.
Thị trường chứng khoán khác sàn chứng khoán nha. Thị trường chứng khoán là chỉ chung (toàn bộ), còn sàn giao dịch chứng khoán thì sẽ có nhiều như:
+ Sàn HOSE hiện tại có 402 doanh nghiệp niêm yết (Sở GDCK HCM)
+ Sàn HNX hiện tại có 341 doanh nghiệp niêm yết (Sở GDCK HN)
Ngoài ra có nhiều sàn khác bạn có thể tìm hiểu thêm. IPO là việc mà công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Mình sẽ lấy ví dụ ở #hocdautu 1:
Công ty hiện tại có giá trị là 400 triệu với 5 bạn góp với nhau, tổng số cổ phần giả sử chia ra là 10.000 cổ phần ~ mỗi cổ phần sẽ có giá là 40.000đ. Như vậy tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sẽ là:
Bạn A: 9,5% ~ 38 triệu ~ 950 cổ phần
Bạn B: 19% ~ 76 triệu ~ 1900 cổ phần
Bạn C: 28,5% ~ 114 triệu ~ 2850 cổ phần
Bạn D: 38% ~ 152 triệu ~ 3800 cổ phần
Bạn X: 5% ~ 20 triệu ~ 500 cổ phần
Sau khi IPO thì công ty này quyết định phát hành thêm 5.000 cổ phiếu.
Sau đó công ty sẽ tìm 1 bên nào đó (quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân) để chào mời số cổ phiếu mới phát hành này – việc này sẽ chỉ dành cho những ông lớn nhé. Và công ty sẽ làm tất cả mọi thứ để đẩy giá cổ phiếu lên cao nhất có thể, kiểu quảng cáo marketing rầm rộ gì gì đó.
Giả sử sau khi chốt qua chốt lại thì công ty đã bán được 5.000 cổ phiếu với giá là 500 triệu (tương đương với mỗi cổ phiếu có giá 100.000đ) – tức là đã có bên nào đó chấp nhận mức định giá của mỗi cổ phiếu của công ty là như thế.
Thì lúc này giá trị công ty sẽ là 100.000đ * 15.000 cổ phiếu = 1,5 tỷ. Đây chính là Giá trị vốn hóa thị trường hay còn gọi là Market cap. Còn nếu không ai chấp nhận mua với mức giá 100.000đ thì giá trị công ty vẫn như cũ nhé.
So với giá trị công ty ban đầu là 400 triệu thì sau khi IPO giá trị công ty đã tăng lên 1,5 tỷ (tương đương với gấp hơn 3 lần). Như vậy tỷ lệ sở hữu sẽ giảm nhưng giá trị sở hữu của 5 anh cổ đông cũ thì tăng mạnh (nếu chưa hiểu bạn có thể đọc lại bài đầu nhé)
Giá trị sở hữu tăng nhưng đôi khi các cổ đông cũ không vui do tỷ lệ sở hữu giảm – người ta gọi đây là pha loãng cổ phiếu (dilution). Điều này khiến cho quyền quyết định của mỗi cổ đông sẽ bị giảm và khi chia lợi nhuận thì cũng bị giảm theo tỷ lệ sở hữu mới. Từ đây sinh ra một khái niệm nữa là điều khoản chống pha loãng (anti-dilution) giúp bảo vệ các cổ đông cũ của công ty (kiểu họ sẽ được quyền mua trước một phần cổ phiếu mới chẳng hạn)
***
Bắt đầu từ lúc IPO thì khi cần thêm vốn hoạt động thì công ty có thể phát hành thêm cổ phiếu để người khác hoặc cổ động hiện tại mua. Việc này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ bởi nếu doanh nghiệp không sử dụng vốn đã huy động để tạo ra lợi nhuận tốt thì những người nắm giữ cổ phiếu sẽ mất niềm tin về việc giá cổ phiếu sẽ tăng => Họ sẽ bán cổ phiếu ra nhiều => Giá cổ phiếu giảm.
Hoặc các cổ đông hiện tại cũng có thể bán cổ phiếu của mình để kiếm tiền uống cà phê và trao lại quyền cổ đông cho người mua. Nhưng điều thú vị ở đây là nếu mọi người mà thấy những trụ cột công ty bán cổ phiếu thì họ cũng sẽ tự hỏi vì sao người hiểu rõ công ty nhất lại bán cổ phiếu tại thời điểm hiện tại => Liệu công ty có bất trắc gì trong thời gian sắp tới? => Dễ dẫn đến bán tháo khiến cho giá cổ phiếu bị giảm.
Còn các trường hợp tăng giảm giá cổ phiếu khác mình sẽ nghiên cứu và viết bài khác nhé.
***
Trên thị trường chứng khoán thì có 2 trường phái đầu tư đó là nhờ người khác đầu tư hoặc là tự đầu tư. Tuy nhiên có 1 nguyên tắc không thay đổi bạn cần nhớ là: Tỷ lệ sinh lời càng lớn thì rủi ro càng cao và ngược lại. Sau khi tìm hiểu thì mình nghĩ bản thân có kiến thức không nhiều thì cứ chọn hướng an toàn mà chơi, sinh lời thấp + lãi kép cũng là quá đủ rồi.
Để giá trị đầu tư luôn tăng thì:
+ Đầu tư vào những công ty lớn (vì rủi ro phá sản là thấp, cần biết là đang đầu tư vào giai đoạn nào của công ty vì mọi công ty đều có chu kỳ: sinh, lão, bệnh, tử). Tóm lại là đầu tư vào công ty mà mình hiểu rõ.
+ Không để hết trứng vào một rổ và cũng không nên để nhiều rổ (3-5 là con số hợp lý – nói chung cái này tùy vào mỗi người)
Bên cạnh đó còn có 2 khái niệm nữa là: Active Investing và Passive Investing.
+ Active Investing là việc bạn hoặc người nào đó nghiên cứu, phân tích các công ty rồi mới đầu tư.
+ Passive Investing là việc đầu tư theo thị trường, tức là chỉ số thị trường như nào thì mình như thế đấy, không cần suy nghĩ gì nhiều.
Ngoài ra bạn cũng cần biết thêm 2 khái niệm nữa là Đầu tư ngắn hạn & Đầu tư dài hạn. Đầu tư ngắn hạn thì mình xem đó là lướt lát, đầu cơ mỗi ngày chứ không phải đầu tư. Còn đầu tư dài hạn là phải tính 10, 20 năm.
Mỗi người sẽ có một gu riêng nhưng đừng nhập nhằng giữa các khái niệm bởi nó sẽ khiến bị rối cực kỳ, sẽ gây ra thua lỗ mà không hiểu vì sao. Kiểu như tư duy đầu tư ngắn hạn mà đi đầu tư dài hạn hay muốn tự đầu tư nhưng toàn nghe theo lời “chuyên gia” là không được rồi. Tóm lại chỉ bỏ tiền vào những gì bạn hiểu, lời ăn lỗ chịu.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Nếu có câu hỏi bạn cứ để dưới phần bình luận.
Cường – Money Studio