
Bối cảnh hiện tại: Bị lẫn lộn giữa hai thái cực
- VNIndex sau một nhịp tăng lớn từ vùng 900 lên 1240, nên áp lực chốt lời mạnh ở các vùng kháng cự
- Nền kinh tế nằm trong bối cảnh có thể tạo đáy cho một chu kì lớn
- Fed gần như hết dư địa để tăng lãi suất, nên khi Fed giảm lãi (Có thể từ 2024) thì sẽ khiến dòng tiền từ Mỹ bắt đầu quay trở lại các quốc gia khác như Việt Nam
- Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi lại ngay, nhất là khi đầu tàu là bất động sản vẫn đang đóng băng trên diện rộng.
Vì vậy việc đầu tư ở giai đoạn này trở nên khó khăn hơn với nhà đầu tư rất nhiều. Hiện tại trên thị trường có khá nhiều thông tin bất lợi với thị trường như nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, các siêu tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khó khăn, vỡ nợ, có thể lan tỏa khắp nền kinh tế và ảnh hưởng lớn đến Châu Á.
Tuy nhiên nếu nhìn ở một góc độ nào đó, ở Việt Nam chỉ có 3 kênh đầu tư để tiền chảy vào gồm:
- Kinh doanh
- Bất động sản
- Chứng khoán
Việc kinh doanh trong giai đoạn này là cực kì rủi ro, vì lãi suất ngân hàng ở hầu hết các lĩnh vực còn đang rất cao. Nếu công ty nào được vay vốn giá rẻ cũng chỉ vì lý do đảo nợ chứ ít người dám vay để mở rộng kinh doanh sản xuất trong giai đoạn khó khăn này vì khi nền kinh tế suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mua sắm, sản xuất nhiều nhưng đầu ra không có, trong khi các doanh nghiệp lại còn đua nhau giảm giá để đẩy hàng tồn. Nên việc kinh doanh trong giai đoạn này cũng được nhưng mở rộng thì rõ ràng rất khó khăn.
Tương tự như vậy, bất động sản đóng băng trên diện rộng và thanh khoản rất tệ, bạn có thể đầu tư nhưng khi cần tiền rất khó ra hàng, mà càng khó ra hàng người ta càng cân nhắc mỗi khi mua một bất động sản, từ đó tạo thành vòng xoáy tiêu cực, khiến thị trường ngày càng lạnh lẽo hơn.
Vì thế dòng tiền thông minh đang có xu hướng dần lựa chọn chứng khoán làm nơi trú ẩn và tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Bằng chứng là phiên gãy rụng rất mạnh vào 18.8 vừa qua có đến 36.000 tỷ tham gia bắt đáy, một phiên thanh khoản và giá trị cao nhất trong lịch sử 23 năm của thị trường chứng khoán. Không phải vì người ta nhiều tiền, mà tiền đang chảy về kênh đầu tư này:

Hiện tượng này làm chúng ta liên tưởng đến giai đoạn 2021, khi Covid xuất hiện, nhà đầu tư không thể làm gì hơn là mang tiền vào các thị trường tài chính ở Việt Nam hay quy mô toàn cầu, từ đó liên tục đẩy các loại tài sản có thể mua sắm online như cổ phiếu, crypto đều lên vùng đỉnh mới.
Với các điều kiện tương tự như vậy và Fed thì chưa nới lỏng lãi suất ngay, tức là dòng tiền rẻ đẩy vào trong nền kinh tế sẽ còn khá lâu. Bên cạnh đó dòng tiền kích thích nền kinh tế của Việt Nam lại đến chính từ đầu tư công, mà đầu tư công giải ngân từ từ, thậm chí nhiều hơi không kịp tiến độ, tức là doanh thu mấy công ty này phải tăng, họ phải trả lương cho công nhân viên và các bên liên quan nhiều tiền lên, thì từ đó dòng tiền này sẽ gián tiếp lan tỏa vào nền kinh tế khi người ta dần có tiền và shopping, quá trình này ở Việt Nam sẽ diễn ra chậm chạp chứ không phải cứ kích thích là ngay lập tức tiền chảy cuồn cuộn ngay.
Vì những lý do trên, Money Studio và mình, Alex Le tin rằng dòng tiền vẫn tiếp tục tìm đến thị trường chứng khoán ít nhất là 1-2 năm tới, cho đến khi có những diễn biến mới. Vì vậy theo mình các nhịp điều chỉnh lớn là thời điểm rất tốt để nhà đầu tư nào trễ tàu hoặc muốn tham gia có thể gia nhập vào dòng tiền này, nương theo cơn sóng để kiếm tiền trong khi chờ đợi nền kinh tế hồi phục.
Vì vậy mình bảo lưu quan điểm thị trường vẫn tiếp tục tăng, tất nhiên cần quan sát vận động của VNIndex, nếu giao dịch sideway đi ngang quanh tích lũy quanh vùng 1170 – 1200 thì đây chính xác là động thái gom hàng của các tay chơi lớn, cũng là vùng có thể tham gia được.
Trong trường hợp vẫn giảm mạnh thì nhà đầu tư cần đứng ngoài quan sát cho đến khi thị trường tìm được các vùng cân bằng (ngừng giảm, đi ngang tích lũy, khối lượng nhỏ dần)
Chúng tôi sẽ update dần cho bạn đọc của website trong thời gian tới.
Alex Le
Founder of Money Studio