Bảng xếp hạng những doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất
Ngày 8-9, Vietnam Report cùng báo VietNamNet đã công bố bảng xếp hạng PROFIT500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023.
Trong top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm nay, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Viettel, Vietcombank, Techcombank, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), BIDV, MBBank, Agribank, và VPBank.
Trong khi đó, top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam bao gồm Techcombank, VPBank, ACB, Vingroup, VIB, Vinamilk, HDBank, Hòa Phát, SHB, và TPBank.

Báo cáo cho thấy dù chưa đạt đến mức cao như trước đại dịch, nhưng so với năm 2022, tỉ lệ lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) trung bình của 500 doanh nghiệp đã cải thiện ở cả 3 khu vực. Trong đó, các doanh nghiệp FDI tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ ROA ở mức 13,7%, tăng 2,7% so với năm trước. Điều này cho thấy sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lợi từ tài sản.
Hai vị trí còn lại trong bảng xếp hạng không có sự thay đổi lớn và cả hai đều ghi nhận sự tăng trưởng so với hai năm trước. Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đạt tỷ lệ ROA trung bình lần lượt là 11,2% và 9,2%.
Năm 2023 cũng chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý trong tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình. Khu vực FDI và tư nhân lần lượt tăng 4,6% và 5,5% so với năm 2022, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.
Mặc dù tỷ lệ ROE trung bình đã tăng từ 16,5% năm trước lên 17,2% trong năm nay, sự cải thiện này của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đáng kể và thấp hơn so với hai khu vực còn lại, tiếp tục đứng ở vị trí thứ ba.
Doanh nghiệp đang phục hồi, tuy nhiên không quá nhanh do áp lực vẫn còn lớn.
Vietnam Report đã đánh giá giai đoạn gần đây là “một chặng đường khắc nghiệt” đối với nền kinh tế. Tình trạng suy thoái lan rộng trong hầu hết các ngành đã làm suy yếu khả năng chống chịu của doanh nghiệp và lợi nhuận cũng giảm đáng kể.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan lại tăng lên.

Hiện tại, khi đã qua 2/3 thời gian của năm, chưa đến một nửa số doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận (40,9% số doanh nghiệp – giảm mạnh so với 73,9% cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, Vietnam Report cho rằng trong phần còn lại của năm, khi nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu khả quan và có thể tiến dần theo hướng phục hồi.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi không diễn ra nhanh chóng do áp lực vẫn còn lớn và còn nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngành và doanh nghiệp do có nhiều yếu tố đặc thù riêng.
54,6% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận của họ sẽ cải thiện nhẹ so với nửa đầu năm, trong khi 4,5% dự báo không thay đổi và 40,9% nhận định sự phục hồi vẫn diễn ra chậm chạp và có thể ghi nhận sự suy giảm ngắn hạn.
“Với tình hình hiện tại, tình hình lợi nhuận trong những tháng tới vẫn còn chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong nửa đầu năm”, báo cáo của Vietnam Report nhận định.
Trong các yếu tố được doanh nghiệp chỉ ra, sức mua yếu, thị trường tiêu thụ hẹp lại và bất ổn kinh tế – chính trị toàn cầu vẫn là hai rào cản lớn nhất trong những tháng cuối năm.
Mặc dù áp lực lãi suất vay vẫn là nguyên nhân gây lo ngại cho doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ đánh giá khó khăn này đã giảm đáng kể so với nửa đầu năm sau những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Mặc dù việc thực hiện các biện pháp nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng có thể gây ra áp lực tỷ giá, nhưng các chuyên gia cho rằng biến động tăng cao và đột ngột trên thị trường ngoại hối chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Bêncạnh việc tận dụng tối đa lợi thế từ chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng, doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, giảm chi phí, và tập trung vào việc xây dựng nguồn nhân lực…