Tệ hại, đó là tất cả những gì mà nền kinh tế đang vận hành.
Có bạn hỏi mình về tình hình kinh tế hiện tại, ok chia sẻ luôn.
Đầu tiên bạn phải biết mình nghe chia sẻ từ ai, mình là chủ doanh nghiệp của 3 công ty nhỏ, là nhà đầu tư chứng khoán (và giảng dạy) hơn 8 năm trên thị trường và có khá nhiều học viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau cung cấp góc nhìn từ nhiều lĩnh vực. Nói không phải để quảng cáo nhưng để bạn có lòng tin hơn về những nội dung mình sắp chia sẻ đây.
1. Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới:
Tệ hại, đây là điều chắc chắn không có gì phải tranh cãi. Hệ quả sau bơm tiền vô tội vạ hậu dịch cùng nhiều tranh đấu chính trị và chuyển biến từ công xưởng thế giới Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đẩy lạm phát lên cao nhất trong vòng nhiều chục năm qua. Giá đồng dollar tăng cực mạnh, đồng Yên Nhật mất giá kỉ lục gần 30% so với USD, tức là bạn vẫn thu được 10 triệu đồng ở Nhật theo Yên Nhật nhưng mang qua Mỹ còn có 7 triệu, vì vậy kích hoạt làn sóng trở về Việt Nam của lao động Nhật.
Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trên quy mô rộng toàn cầu, Facebook cắt giảm 11000 nhân viên, Google 10000, Twitter 1/3, Công ty mẹ của Shopee 7000 người,…
2. Tình hình kinh doanh trong nước với chủ doanh nghiệp:
Tệ hại.
Thế giới phẳng khiến mọi nền kinh tế thông nhau. Nhiều người cho rằng đồng usd mạnh lên khiến các công ty xuất khẩu hưởng lợi nhưng thực tế thì giống như trong hình.
Về cơ bản khi tình hình kinh tế khắp thế giới đang tệ sẽ dẫn tới hệ quả đơn giản nhất là người dân ít tiền hơn dẫn đến việc mua sắm ít hơn. Chưa kể chiến tranh của Nga dẫn đến hóa đơn sửi ấm và giá xăng của toàn bộ Châu Âu tăng gấp vài lần, hàng loạt nhà hàng, quán bar đóng cửa vì KHÔNG TRẢ NỔI TIỀN ĐIỆN, GAS. Như vậy thì ai mà quan tâm mua sắm nữa, không mua sắm thì ai lại đi đặt hàng làm gì.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thứ 2-3 trên thế giới về may mặc, hầu như các nhà máy hiện tại đang hoạt động cầm chừng, giảm công suất, cắt giảm nhân sự lao động, giảm lương, giảm giờ làm.
Nhà nước thì siết tín dụng, không cho vay, trong khi dòng tiền doanh nghiệp không ổn định, ngày xưa tiền tỉ trong tay làm gì cũng dễ, giờ 1-200 triệu xoay mãi chẳng ra vì ai cũng kẹt tiền. Hồ sơ giải thể chất chồng như núi ở ủy ban.
3. Tình hình bất động sản Việt Nam:
Bất động sản là ngành xương sống của Việt Nam đóng góp vào GDP và nhân lực cực đại, nhưng qua các vụ trái phiếu của Tân Hoàng Minh, bắt bớ, lãi suất tăng cao và siết tín dụng, các doanh nghiệp Bất Động Sản giờ đây ngáp ngáp cả đám. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm đến hơn 50% nhân sự, hơn 6 tháng không có việc làm.
Vấn đề của bất động sản là thế này:
– Anh A đi mua đất dự án, trị giá 10 tỷ, anh đóng theo giai đoạn, mỗi tháng vài chục triệu đóng dần đến lúc dự án hoàn thành thì anh đã đóng được 3-40%, sau đó anh có thể bán dự án đi với giá 12-15-20 tỷ. Đó là cách mua dự án từ xưa, anh thấy vậy ngon quá nên anh múc lần 2-3 căn. Trong điều kiện thuận lợi thì mọi thứ đều ok cho đến khi anh bị siết tín dụng. Hiện nay ngân hàng không cho vay, tiền bạc ngoài thị trường kiệt quệ, công ty anh thu không bù chi. Bùm, anh không trả được tiền đóng nên anh bán tháo nhà đi, từ đó anh B có cái nhà bên cạnh cũng bị kéo giá bán đi.
Mà bất động sản kì lắm, giá càng tăng bán càng dễ, giá càng giảm càng khó bán, không ai mua vì sợ giảm tiếp. Cuối cùng anh đành ngậm ngùi bỏ cọc.
– Anh B tính xây nhà trên miếng đất gia đình cho, nhưng anh đi hỏi ngân hàng thì không cho vay, có cho thì vay cao đến tận 16-20%/năm, anh bấm tay thấy 4 năm lãi x2 rồi, anh sợ quá không dám xây nữa.
– Anh C tính đi mua nhà phố để ở, nhưng ở đời ai có sẵn 10-20 tỷ tiền mặt trong tài khoản đâu, đa phần người đi mua bất động sản là thanh toán 2-30%, còn lại cắm nhà cho ngân hàng, từ từ trả dần qua việc kinh doanh của mình ở bên ngoài, tức là thường sẽ dùng 3 tỷ tiền mặt mua nhà 10 tỷ, còn đâu trả dần trong 5-10 năm. Nhưng giờ ngân hàng khóa không cho vay lĩnh vực bất động sản -> Anh C hết sức mua, không mua nữa. Thị trường đóng băng.
– Chủ các dự án hàng chục trăm ngàn tỷ thì đa phần là thu tiền từ anh A để làm theo từng giai đoạn, hoặc vay các nơi gối đầu, giờ anh A hết tiền đóng, chủ doanh nghiệp cũng không bán được vì ai cũng như anh C, cuối cùng chủ doanh nghiệp bấn quá phải hạ giá bán, cái nhà năm ngoái bán 15 tỷ giờ anh bán còn 7 tỷ cho ai chồng tiền luôn, cuối cùng anh A trả góp mấy năm như công cốc, có khi còn đắt hơn và anh càng không bán được nhà.
Tóm lại toàn bộ ngành này chao đảo, khiến thu nhập người dân giảm mạnh, người thất nghiệp dâng cao.
Từ đó các ngành khác cũng bị ảnh hưởng liên đới nhiều. Ví dụ như ngành vật liệu xây dựng, ngành thép,… toàn bộ ngắc ngoải theo.
4. Tình hình lao động ở Việt Nam:
Tệ hại.
Nhiều nhà máy đã cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp bất động sản cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp liên quan bất động sản cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp sếp hết tiền bank không cho vay cắt giảm nhân sự. Làn sóng thất nghiệp diễn ra diện rộng không chỉ toàn thế giới mà ở cả Việt Nam. Từ lao động phổ thông đến lao động trí óc.
——
Qua vài dòng trên để mọi người hình dung được cuộc chơi đang thế nào.
Đây là giai đoạn cực kì khó khăn của nền kinh tế nói chung và bản thân mỗi người, mỗi doanh nghiệp nói riêng. Tất nhiên lửa thử vàng gian nan thử sức, trong giai đoạn này nhân sự nào chịu đựng được việc nặng, có sức sáng tạo, có khả năng cao chắc chắn sẽ nổi bật trước đám đông.
Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu nhanh chóng, loại bỏ những phần chi phí dư thừa, tinh gọn doanh nghiệp, thay đổi hướng đi, quyết liệt đổi mới để tồn tại.
Thời thế tạo anh hùng, thời thế đã có, ai là anh hùng?